Thực hiện Hiệp_ước_2_+_4

Tại một cuộc họp ở Kavkaz vào tháng 7 năm 1990 với Thủ tướng Helmut Kohl, chủ tịch Mikhail Gorbachev đã tuyên bố đồng ý để nước Đức thống nhất. Hiệp ước về giải quyết cuối cùng có liên quan đến Đức đã được ký kết bởi các bộ trưởng ngoại giao của 2+4 quốc gia ở Moskva vào ngày 12 tháng 9 năm 1990. Ngày 1 tháng 10 năm 1990 trong một tuyên bố chung tại New York, 4 cường quốc tuyên bố từ bỏ quyền và trách nhiệm của mình đối với Đức, và Đức đã nhận được đầy đủ chủ quyền của mình. Ba ngày sau, Đông Đức đã được chính thức sáp nhập với Cộng hòa Liên bang Đức. Nước Đức thống nhất và 3 cường quốc phương Tây nhanh chóng phê chuẩn Hiệp ước 2+4, trong khi Moskva đã kéo dài thời gian, cuối cùng vào ngày 04 tháng 3 năm 1991, Xô viết tối cao đã phê chuẩn sau một cuộc tranh luận sôi nổi, và có hiệu lực từ ngày 15/3/1991 khi Đại sứ Terekhov chính thức chuyển văn kiện phê chuẩn cho Ngoại trưởng Genscher.[4] Sau sự tan rã của Liên bang Xô Viết, Nga thừa kế nghĩa vụ của Liên Xô cũ từ các hiệp ước với Đức. Vào tháng 8 và tháng 9 năm 1994, quân đội chiếm đóng cuối cùng rời khỏi Berlin và chấm dứt giai đoạn sau chiến tranh.[4]

Với Hiệp ước này, phần lớn quân đội của các lực lượng chiếm đóng trước đây (ngụ ý Liên Xô, vì lúc đó Hồng quân Liên Xô còn đóng quân trên lãnh thổ Đông Đức với tư cách quân chiếm đóng) rời khỏi nước Đức, những đơn vị quân sự còn lại của các lực lượng chiếm đóng không còn quyền kiểm soát nữa, mà thuộc sự quản lý dưới quy chế của quân đội NATO. Kể từ thời điểm này, nước Đức lần đầu tiên từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai khôi phục lại được hoàn toàn chủ quyền lãnh thổ.[4]

UNESCO đã công nhận Hiệp ước 2+4 và 14 tài liệu khác về sự xây dựng và sụp đổ bức tường Berlin là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 25 tháng 5 năm 2011.[4]